Địa chỉ truy cập tộc phả

Tin tức cập nhật :

Giới thiệu làng Gòi

Phiên bản thử nghiệm

Mọi thông tin đóng góp xin gửi về địa chỉ email: dongtocnguyenhuy@gmail.com Điện thoại: 0913388266 (Mr Tiến)

Bài : Unknown on Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013 | 20:53

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Tin tức trong Làng
nhận xét | | Đọc tiếp...

Tiểu sử ngôi chùa Báo Ân

Bài : Unknown on Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013 | 23:02

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013


Xin mở đầu bài viết về mái chùa làng bằng 4 câu thơ lục bát:


Chùa quê là một mái trường
Dạy tu đạo đức dạy đường ở ăn
Sự đời bao nỗi băn khoăn
Đến chùa vất vả nhọc nhằn vợi thôi!

Hay đôi câu đối mà chính người chắp bút viết tại cổng chùa làng (phía trong):
Bước tới Thiền môn nghe kinh Phật thấy lòng thanh thản
Dạo thăm lãnh tự vãng cảnh chùa mà dạ bâng khuâng

   Có cái gì đó mung lung khó diễn tả lòng mình đối với di cảnh thiền môn mà từ hơn 2545 năm khi mà đạo Phật ra đời. Vậy thì cả một khoảng thời gian dài ấy, chùa quê ta có cái tên trìu mến mang nặng đạo lý Báo Ân và có chùa từ bao giờ. Nếu không có các tư liệu như “Đại Việt sử ký toàn thư”; Phả lục; Sắc phong Thành Hoàng làng qua các triều đại, rồi truyền thuyết, tương truyền và những gì có được bia đá, tượng Phật niên đại xây dựng chùa đã giúp cho việc làm có thể nói là đạo lý này mai sau cháu con thấy được giảm đi một phần công tìm kiếm.

Theo các tư liệu trên, được biết chùa làng ta có từ triều đại nhà Lý, thời mà đạo Phật cực thịnh. Vào cuối thế kỷ thứ 11 (năm 1077), sau khi Lý Thường Kiệt đánh bại đạo quân xâm lược nhà Tống do Quách Quỳ và Triệu Tiết cầm đầu tiến hành cuộc xâm lược nước ta. Tuy vậy nhà Tống vẫn chưa nhụt ý đồ xâm lược nước ta. Vì lúc đó trong nước ta giặc cướp nổi lên chiếm cứ các vùng. Để dẹp yên thù trong, để đối phó với giặc ngoài, vua nhà Lý phải sai tướng giỏi đi dẹp loạn. Quân đi lại giữa mùa viêm nhiệt, nên thường gặp gió lớn mưa to. Đến dải đất quê ta ông ra lệnh đình binh chọn nơi đất cao hạ trại. Đêm ấy ông vào ngủ nhờ ở một ngôi thảo miếu, nơi thờ Nhị vị Đại Vương Triều Hùng là Cao sơn Đại Vương, Nguyễn Cao Sùng, Quý minh Đại Vương Nguyễn Cao Hiển, nửa đêm xong việc quân tướng Lý mệt mỏi dựa lưng vào hương án thiu thiu ngủ bỗng thấy hai vị lão quan tay cầm quạt lông đứng sừng sững trước mặt thét lớn, vô lễ cớ gì đem quân đến đất ta, chỗ ta nhà tranh mái cỏ không đến yết kiến anh em ta. Thái úy tỉnh giấc, sáng hôm sau cho triệu các hương lão bản ấp đến hỏi chuyện mới biết giải đất này của hai vị lão quan triều Hùng Vương, ông mới sắp xanh lễ vật vào lễ tạ Song thánh. Mới bước vào chiếu lễ là đã nghe có tiếng hùng trầm bổng hát rằng:
Dục thịnh Đông A
Nam đạo quan hà
Tiến công Hồng Khoái
Đông Bắc giặc bại
Thiên hạ thái bình
Hà sự nan chinh
Dịch là: Đất Đông A đang hưng thịnh, trước hết hãy cho binh sỹ nghỉ ngơi, khảo quân sau đó chia quân làm hai đạo, đạo phía nam đánh trước, nên đánh lúc nửa đêm về sáng, bốn mặt đánh vào dẹp yên đạo phía nam, đạo phía bắc phải tan đất nước sẽ thanh bình, việc gì phải đánh lâu dài.
Lễ tạ Song thánh xong, ông lui ra ngẫm xem vận nước ứng điềm mộng báo bèn đem quân về Đai Hoàng đánh họ Hà sau đó về lộ Hồng Châu đánh họ Đoàn đều thắng lớn.
Dẹp xong giặc, ông được Triều Lý khen thưởng, ông mới đem sự việc huyền bí đó tâu vua. Cảm ân đức và sự tối linh ấy, Triều Lý xuống chiếu tạ ơn, truyền cho nhân dân địa phương lập nơi thờ tự tiền Phật hậu Thần đặt tên chùa là Báo Ân và cũng nhân cái đêm chiến thắng mưa gió sấm chớp rạch trời ấy mới đổi tên quê ta từ Đồng Quan trang thành Phong Lôi ấp. Cho mãi tới cuối thời đại nhà Trần,Võ Đô hầu Nguyễn Thức người con của quê hương ta mới cho lập riêng đình làng để thờ các vị có thần sắc vua phong. Chùa quê được tách ra từ đấy. Cái thưở ban đầu làm bằng tre tranh, tượng đất, trải bao gió bụi thăng trầm, bão lụt, phong hóa, chùa quê không tồn tại được, để giữ lại dấu ấn của quê hương với cái tên trìu mến Báo Ân, nên đầu thế kỷ 20, ông cha ta đã góp công góp của xây dựng ngôi chùa khang trang đẹp đẽ mang dấu ấn cổ kim kết hợp hài hoà cho đến hôm nay vẫn còn giữ được nguyên vẹn hình dáng, mặc dù đã trải qua hơn một thế kỷ, hai lần lụt lội 1926 (Bính Dần) và 1945 (Ất Dậu) và hơn 30 năm chiến tranh chống lại hai kẻ thù lớn của thời đại. Đồn bốt kề bên rồi chiến tranh phá hoại chùa quê vẫn tồn tại bên đường. Trong chùa tượng Phật thời Lê - Nguyễn vẫn còn nguyên vẹn và những tấm bia đá khắc ghi phương danh các tín đồ phật tử góp công góp của xây dựng chùa làng. Đây là một tài sản quí giá lưu lại cho hậu thế mai sau. Đến năm Bảo Đại ngũ niên lại dựng 5 gian nhà Tổ, nơi cửa thiền truyền đạo từ bi này, có thời gian còn là điểm hẹn, điểm tập kết của các vị công thần qua các triều đại Phong kiến đến viếng thăm và sau này là cơ sở đi về bàn cách chống lại sự đàn áp của ngoại bang. Năm 1930, Hội kín tại quê hương làm chiếc thang tre để kéo hai lá cờ búa liềm tại cây đa quán Gòi và cột dây thép đầu và cuối làng Gòi vào ngày Quốc tế lao động 1-5-1930.
Cách mạng tháng 8 thành công, chùa quê là nơi quần chúng tập trung để đi giành Chính quyền ở phủ Thái Ninh. Điều đáng tiếc là từ khi có chùa phương danh các tăng ni trụ trì không có tư liệu ghi chép lại nên không rõ danh tính mà chỉ biết một số cụ tự chùa theo truyền thuyết và thời cực thịnh của ngôi chùa vào thập kỷ 30 - 40 của thế kỷ 20 do Đại đức Trần Văn Am (Sư Trung) trụ trì có hưng thịnh có suy tàn. Rồi chiến tranh lan tới, chùa quê hoang tàn đồn bốt kề bên, một bên hai đồn bốt giặc đóng. Nhờ hồng ân Phật tổ, mãi tới năm 1950,  Hoà thượng tự Nguyên Uyên (Cụ Giám Vàng) về trụ trì, sau khi cụ viên tịch, đệ tử của cụ là Ni sư Giác linh Dương Thị Giá trông nom bảo quản. Rồi cuộc Cách mạng chuyển vần ở giai đoạn Phật giáo thoái trào. Sự tín  ngưỡng tâm linh sao nhãng, song chùa vẫn giữ nguyên vẹn. Dân thôn bản hạ xin tỏ lòng biết ơn với vong linh các tăng ni phật tử đã có công giữ gìn coi sóc ngôi chùa làng nên vẫn còn được như ngày nay. Mặc dù nội tự từ 7 mẫu đến nay chỉ còn non một nửa. Xin có nén nhang trầm tưởng nhớ người xưa đã có công với di cảnh thiền môn mà tiền nhân để lại.
Sau ngày hoà bình lập lại, nhân dân quê nhà đã nhiều lần trùng tu tôn tạo với sự phát tâm công đức của các cơ quan đóng trên địa bàn cùng khách thập phương công đức liên tục trong mấy năm qua sửa sang di cảnh, xây sân, xây cổng, xây nhà, bổ sung thêm tượng Phật, hoành phi, câu đối, sắm đồ tế khí, dựng đài Quan Âm Các, đúc ba quả chuông một lớn hai nhỏ, xây dựng 45 gian nhà, đào giếng nước, xây công trình vệ sinh, nhà tắm và  xây bể hơn 100 m3 nước mưa. Hiện nay đặt cơ sở hạ trường của 6 huyện bắc Thái Bình di cảnh thiền môn đổi mới từng ngày. Quả phúc thật là quý giá của đất trời. Ai nâng niu quả phúc cháu con hẳn được hưởng hạnh phúc lâu dài. Ngày nay nên công nên quả cảnh sắc có một vẻ đẹp hài hoà so với các chùa trong tỉnh, thuận tiện giao thông. Đây là thành tích lớn lao đóng góp về nhân tài vật lực của nhân dân ta, của tín đồ thập phương và bàn tay hướng đạo của Đại đức Thích Thanh Hùng chung lòng trồng cây đức cho hậu thế mai sau. Là người dân trong làng quê dựa theo tư liệu của bảo tàng của di tích, thần phả chắp bút đôi nét về ngôi chùa làng cũng là đóng góp sự hiểu biết của mình với tấm lòng đáp nghĩa đền ân với tiền nhân thể hiện qua đôi câu đối ở cổng chùa làng mà tác giả cuốn sách này đã viết (phía ngoài).
Báo đáp các tiền nhân góp của góp công xây dựng thiền môn ông bà giữ gìn hằng kính báo.
Ân sâu nên hậu thế chung lòng chung sức sửa sang di cảnh cháu con chăm chút để đền ơn.
Và bốn câu thơ dự kiến đề khắc bia đá trước Các Quan Âm:

ng trình thế kỷ các quan âm
Xây dựng khởi công giữa sắc xuân
Tân tỵ thu sang mừng hoàn tất
Lưu truyền hậu thế rạng báo ân.
(2001- Tân Tỵ)

Mấy vần thơ về chùa Báo Ân
Chùa quê sau lũy tre làng
Tam quan rêu phủ, đậm màu thời gian
Chuông ngân chiều tím nhịp nhàng
Ngân nga dóng dả chiêu hồn chúng sinh
Hãy về đây các vong linh
Nương nhờ cửa Phật bớt đi cơ hàn
Hết đói rét khỏi lang thang
Phúc âm Phật độ muôn vàn tình thương
Chùa quê còn là mái trường
Rèn tu đạo đức dạy đường ở ăn
Sự đời bao nỗi băn khoăn
Đến chùa, vất vả nhọc nhằn vợi thôi.
Nguyễn Huy Đàn
nhận xét (1) | | Đọc tiếp...

Tiểu sử đình làng Gòi

Có làng là có sự thờ phụng, khó ai quên được ký ức tuổi thơ về ngôi đình làng, vì sao vậy?

Đình làng dấu ấn quê ta

Nắng mưa phong hóa phôi pha tháng ngày

Ngay từ cái thuở xa xưa con người từ bốn phương kéo về mảnh đất hoang vu đầy lau sậy này do bãi biển mới bồi quần tụ hợp sức khai cơ lập nghiệp làm nên làng xã vì sức lao động có thừa. Song công cụ sản xuất thô sơ, phương thức sản xuất còn lạc hậu, công tác quản lý còn lỏng lẻo, nên không hạn chế được sự tàn phá của thiên nhiên, như hạn hán, úng lụt, bão và nước mặn tràn về.

Theo sử ký thời Pháp thuộc, đê Văn Giang - Hưng Yên vỡ 18 năm liền, đời sống no đói thất thường, nên về mặt tâm linh, con người dựa vào sự che chở của trời phật, thánh thần và cũng là để nhớ ơn người sáng lập quê hương. Cho nên khắp làng quê nước ta, không một làng nào không xây dựng đình chùa. Một ý nghĩ đáng quý, đình là ngôi nhà chung cho cả làng, không phân biệt tôn giáo, là nơi để con người rèn đức tu nhân, lấy cái thiện làm gốc, lấy đức nhân để đo phẩm chất đạo làm người.

Nhìn chung trong phạm vi tỉnh nhà chỉ có hai ngôi đình là thờ Ngũ vị Đại Vương. Một ngôi ở Thần đầu Thần huống Thái Ninh, nhưng ngôi đình ấy hiện nay không còn nữa, mà duy nhất chỉ có ngôi đình làng ta mà thôi.

Theo tư liệu tại Bảo tàng văn hóa tỉnh, bản dịch Thần phả và những gì còn khai thác được ở cụm quần thể di tích lịch sử và nhất là sắc phong qua các triều đại, Thế phả, Tôn phả của một số dòng họ còn lưu giữ mà ta khẳng định lịch sử của ngôi đình làng quê ta hình thành từ rất sớm.

Người sáng lập ra làng quê ta là Nhị vị Đại Vương do Hùng Duệ Vương phong sắc là hai anh em ruột quê vùng Ái châu Thanh Hóa có công giúp nước an dân dẹp thù trong chống giặc ngoài nên được vua ban thưởng hưởng thực ấp Đồng Quan Trang theo chế độ Thác đạo điền. Sau đó hai ông từ quan về vui thú điền viên cùng hương ấp.

Thú quê nong kén ruộng cày

Dân về tụ họp mỗi ngày một đông

Ngày khai phá đất hoang, đêm về luyện dân binh phòng khi quốc biến. Theo truyền thuyết và Phả lịch, hai ông qui hóa vào ngày 17-2 âm lịch. Để đền ơn người có công với nước, vua xuống chiếu tạ ơn cho nhân dân địa phương lập nơi thờ phụng tước vị của sắc phong.

Cao Sơn Đại Vương Nguyễn Cao Sùng

Quí Minh Đại Vương Nguyễn Cao Hiển

Đến Triều đại nhà Lý, vua Lý Nhân Tông phong sắc Đông Hải Đại Vương thượng đẳng thần Đoàn Thượng.

Triều đại nhà Trần, vua Trần Thánh Tông phong sắc Nam Hải Đại Vương Nguyễn Phục. Cả hai ông đều có công lớn với nước và đã truyền bá nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, cấy lúa cho nhân dân ta.

Đến vương triều Lê - Mạc xuống sắc phong phúc diện ly thương đẳng thần Tiến sỹ Hoàng kỳ. Ông là người con của quê hương nhà sinh vào thế kỷ 16 (1559). Năm 21 tuổi thi đỗ Tiến sĩ làm quan. Trải qua hai triều Lê - Mạc đã từng làm Phó sứ đi cống Trung Quốc. Ông có công lớn trong việc mở mang kiến thức văn hóa cho nhân dân quanh vùng. Mở trường dạy học đã được liệt kê vào trong danh sách 101 vị quan nghè của tỉnh Thái Bình. Khi ông mất an táng tại quê hương xứ mả Tàu. Mộ quan Nghè ngày nay còn đó và được sắc phong thờ tại đình làng. Như vậy, ngôi đình làng ta thờ Ngũ vị Đại Vương thì bốn vị theo đường võ bị cầm quân dẹp loạn an dân, một vị theo hàng văn, quan văn hay nổi tiếng khắp vùng.

Đình chùa quê ta trước đây thờ chung, tiền Phật hậu Thần. Tên chùa do triều Lý đặt cho. Mãi đến thế kỷ 18, sau chiến thắng quân Nguyên Mông, Võ Đô hầu Nguyễn Thức mới cho lập đình làng riêng biệt để thờ các vị có thần sắc vua phong. Một vật chứng vẫn còn lưu lại cho ta khẳng định qua đôi câu đối ghi tại quần thể di tích:

Bắc Khấu mịch tâm vạn lý khai danh Phong Lôi địa

Nam Bang dũng lược thiên thu cương thổ Thái bình ca

(Tạm dịch: Yên tâm với người phương Bắc đường xa vạn dặm về dựng đất Phong Lôi. Dân Nam anh dũng có quyền được hưởng cảnh thanh bình vui vẻ).

Từ đôi câu đối trên, giúp ta xác định dù tre tranh nứa lá nhưng ngôi đình làng ta đã hình thành và xây dựng từ thời nhà Trần.

Uy linh chấn sơn hà phò tá Trần triều dương thánh đức

Thao lược yên xã tắc khuông nhương hùng chí liệt thần công.

Cái thuở ban đầu, ngôi đình làng được dựng trên khoảnh đất giữa Mả Cả và Chợ Cũ vì là nơi trung tâm của dải đất Đồng Quan Trang thời ấy và có mối liên hệ đến trại Rí ngày nay vẫn còn lưu giữ tấm bia đá với dòng chữ Cá lôi thôn Thuần túy xã Thanh Quan huyện (Trích sử họ giáo làng Phong Lôi).

Trải qua bao biến cố thăng trầm, thiên tai tàn phá bào mòn xâm thực và bão phế sập, con sông Bình Cách hình thành. Phương tiện giao thông thời ấy đi lại khó khăn nên Trại Rí tách ra khỏi Phong Lôi ấp nên ngôi đình mới di chuyển về nơi trung tâm của dải đất làng tức là địa điểm ngày nay. Cho mãi tới năm Tự Đức nguyên niên 1843 (Thế Kỷ 19), nhà chức trách địa phương thời ấy mới quyên góp bán tước vị mua nhiêu và các nhà giàu hảo tâm ủng hộ sức lao động bổ theo đầu đinh để xây dựng ngôi đình làng.

Trong dịp đại tu đầu thế kỷ 21, ta vẫn còn lưu giữ một cột đình khắc dòng chữ Hán “Đại Nam Tự Đức tuế tự Mậu Dần niên quí xuân cát nhật trụ thiêng” và một số tấm bia đá khắc ghi phương danh quí vị công đức cùng dòng họ hảo tâm tiến cúng tiền của xây dựng đình chùa làng. Đây là vật chứng quí giá cần được bảo quản giữ gìn. Điều đáng tiếc là các đồ thờ tế khí, câu đối, đại tự không giữ lại được mà duy nhất chỉ còn một bức cuốn thư đề ba chữ “Giám Kỳ Đức” của cụ Nguyễn Huy Oanh đời thứ 8 dòng họ Nguyễn Huy treo trước cửa cấm đình và hai cái cột đình, một cái của cụ Hoàng Văn Tum, một cái của cụ Nguyễn Xuân Vịnh người xã Nguyên Xá cúng tiến. Chỉ tiếc rằng một trong hai cột đó bị hỏng thay dạng đổi hình thành cột hiên phía đông đình.

Cho đến ngày nay, ngôi đình làng đã trải qua ba thế kỷ 19+20+21, gần 165 năm. Lịch sử biến thiên, thời gian phong hóa nên đình làng đã xuống cấp.

Đình làng, nơi tôn thờ các vị công thần có công với nước trải qua sáu triều đại phong kiến, Hùng vương, Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn và từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 tới nay. Cuối thế kỷ 18, vương triều nhà Nguyễn hưởng ứng hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi đình làng nơi nghĩa dũng của hai cụ Tuần Cán, Cai Gòi tập luyện làm lễ tế cờ rồi cùng kết hợp với nghĩa dũng của cụ Phạm Huy Quang ở làng Phù Lưu cùng nghĩa quân Đốc Đen chống Pháp.

Đình làng cũng là nơi ghi sâu tội ác của chế độ cũ đã gây nên nạn đói khủng khiếp năm 1945. Các gia đình ông Tần, ông Tấn, cụ Răm chết đói hết và còn bao nhiêu đồng bào gục ngã ở nơi này.

Những dấu ấn tốt đáng ghi nhớ của ngôi đình làng là nhân dân ta tập trung đông đảo đi giành Chính quyền ở phủ Thái Ninh, tháng 8-1945 bắt tri phủ Trần Mạnh Hoan. Đình còn là nơi tổ chức bầu cử Quốc Hội khóa đầu tiên của nước Việt nam Dân chủ Cộng Hoà. Trong cuộc kháng chiến chín năm kỷ niệm một trận tập kích táo bạo vào hang ổ giặc trận đánh năm 1953 ở chợ đình Gòi.

Ngôi đình quê hương đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử  văn hóa từ 1992. Trong suốt hơn 30 năm chiến tranh, đình làng ghi biết bao kỷ niệm, bao lần tiễn người con quê hương lên đường bảo vệ tổ quốc.

Mái đình gắn bó quê hương

Xa quê ai chẳng vấn vương mái đình

Đầu thế kỷ 21 do nâng cấp quốc lộ 10 đáp ứng sự thay đổi của đất nước, tôn trọng tự do tín ngưỡng và di sản văn hóa của tiền nhân, nơi thờ các vị công thần có công với dân với nước, ngôi đình được di chuyển lùi về phía đông 3m, chuyển lên phía trước 3m, khởi công xây dựng vào mùa hè năm Nhâm Ngọ (Tháng 6-2002) thể hiện tấm lòng đáp nghĩa đền ân. Sau khi ngôi đình được trùng tu, người con của quê hương, kể cả bà con cô bác cư trú theo nghĩa của câu ca: “Đất lành chim đậu” đã đóng góp công sức chung lòng xây dựng ngôi đình rạng rỡ khang trang. Mọi người đều thống nhất quan điểm đình làng thờ ai, nhất là quê hương ta có hai đạo tồn tại song song suốt hai thế kỷ qua đó là đạo Phật và đạo Thiên Chúa. Cái riêng đạo Phật có ngôi chùa làng để sớm chiều các tín đồ tụng kinh niệm phật cho cái thiện sinh sôi, cái ác tàn lụi để lòng thanh thản.

Đạo Thiên chúa có Thánh đường để con chiên cầu nguyện những điều ý dân là ý chúa.

Ngày nay chúng ta lại có mái đình làng, ngôi nhà chung không phân biệt tôn giáo, nơi thờ người sáng lập quê hương và có công với dân với nước, nơi mà giáo lương quần tụ trong một mái ấm tình quê.

Thật đúng là:

Quê mình là một bài thơ

Người đây cảnh đấy cứ ngờ chiêm bao./.

***

Đình làng

Nguyễn Huy Đàn

Đình làng dấu ấn quê ta

Nắng mưa phong hóa phôi pha đã nhiều

Tuổi thơ sáng sáng chiều chiều

Chơi khăng đánh đáo thả diều nơi đây

Sân ngoài rợp mát bóng cây

Giếng khơi trong vắt tường xây lượn tròn.

Cảnh xưa nếp cũ đâu còn

Hoa dâm mái tóc vẫn còn nhớ ghi

Bao lần tiễn bạn ra đi

Sân đình hẹn ước những gì nhớ không

Hẹn ngày thống nhất non sông

Lại về vui với ruộng đồng quê hương

Mái đình gắn bó thân hương

Xa quê ai chẳng vấn vương mái đình.

Cây đa, giếng nước, sân đình.

Tháng 7/1994
nhận xét | | Đọc tiếp...

Lượt truy cập

Danh sách liên kết 1

Danh sách liên kết 2

Tin tức

thử nghiệm

Chuyên mục

Bài đăng phổ biến

Giới thiệu

abc

Blogroll

 
Mẫu thiết kế được chỉnh sửa bởi Quảng cáo Mỹ thuật Sao Việt | Hỗ trợ bởi Nguyễn Trung Tiến | Powered by Google