Địa chỉ truy cập tộc phả

Tin tức cập nhật :

Phiên bản thử nghiệm

Mọi thông tin đóng góp xin gửi về địa chỉ email: dongtocnguyenhuy@gmail.com Điện thoại: 0913388266 (Mr Tiến)
Trang chủ » » Tiểu sử ngôi chùa Báo Ân

Tiểu sử ngôi chùa Báo Ân

Bài : Unknown on Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013 | 23:02


Xin mở đầu bài viết về mái chùa làng bằng 4 câu thơ lục bát:


Chùa quê là một mái trường
Dạy tu đạo đức dạy đường ở ăn
Sự đời bao nỗi băn khoăn
Đến chùa vất vả nhọc nhằn vợi thôi!

Hay đôi câu đối mà chính người chắp bút viết tại cổng chùa làng (phía trong):
Bước tới Thiền môn nghe kinh Phật thấy lòng thanh thản
Dạo thăm lãnh tự vãng cảnh chùa mà dạ bâng khuâng

   Có cái gì đó mung lung khó diễn tả lòng mình đối với di cảnh thiền môn mà từ hơn 2545 năm khi mà đạo Phật ra đời. Vậy thì cả một khoảng thời gian dài ấy, chùa quê ta có cái tên trìu mến mang nặng đạo lý Báo Ân và có chùa từ bao giờ. Nếu không có các tư liệu như “Đại Việt sử ký toàn thư”; Phả lục; Sắc phong Thành Hoàng làng qua các triều đại, rồi truyền thuyết, tương truyền và những gì có được bia đá, tượng Phật niên đại xây dựng chùa đã giúp cho việc làm có thể nói là đạo lý này mai sau cháu con thấy được giảm đi một phần công tìm kiếm.

Theo các tư liệu trên, được biết chùa làng ta có từ triều đại nhà Lý, thời mà đạo Phật cực thịnh. Vào cuối thế kỷ thứ 11 (năm 1077), sau khi Lý Thường Kiệt đánh bại đạo quân xâm lược nhà Tống do Quách Quỳ và Triệu Tiết cầm đầu tiến hành cuộc xâm lược nước ta. Tuy vậy nhà Tống vẫn chưa nhụt ý đồ xâm lược nước ta. Vì lúc đó trong nước ta giặc cướp nổi lên chiếm cứ các vùng. Để dẹp yên thù trong, để đối phó với giặc ngoài, vua nhà Lý phải sai tướng giỏi đi dẹp loạn. Quân đi lại giữa mùa viêm nhiệt, nên thường gặp gió lớn mưa to. Đến dải đất quê ta ông ra lệnh đình binh chọn nơi đất cao hạ trại. Đêm ấy ông vào ngủ nhờ ở một ngôi thảo miếu, nơi thờ Nhị vị Đại Vương Triều Hùng là Cao sơn Đại Vương, Nguyễn Cao Sùng, Quý minh Đại Vương Nguyễn Cao Hiển, nửa đêm xong việc quân tướng Lý mệt mỏi dựa lưng vào hương án thiu thiu ngủ bỗng thấy hai vị lão quan tay cầm quạt lông đứng sừng sững trước mặt thét lớn, vô lễ cớ gì đem quân đến đất ta, chỗ ta nhà tranh mái cỏ không đến yết kiến anh em ta. Thái úy tỉnh giấc, sáng hôm sau cho triệu các hương lão bản ấp đến hỏi chuyện mới biết giải đất này của hai vị lão quan triều Hùng Vương, ông mới sắp xanh lễ vật vào lễ tạ Song thánh. Mới bước vào chiếu lễ là đã nghe có tiếng hùng trầm bổng hát rằng:
Dục thịnh Đông A
Nam đạo quan hà
Tiến công Hồng Khoái
Đông Bắc giặc bại
Thiên hạ thái bình
Hà sự nan chinh
Dịch là: Đất Đông A đang hưng thịnh, trước hết hãy cho binh sỹ nghỉ ngơi, khảo quân sau đó chia quân làm hai đạo, đạo phía nam đánh trước, nên đánh lúc nửa đêm về sáng, bốn mặt đánh vào dẹp yên đạo phía nam, đạo phía bắc phải tan đất nước sẽ thanh bình, việc gì phải đánh lâu dài.
Lễ tạ Song thánh xong, ông lui ra ngẫm xem vận nước ứng điềm mộng báo bèn đem quân về Đai Hoàng đánh họ Hà sau đó về lộ Hồng Châu đánh họ Đoàn đều thắng lớn.
Dẹp xong giặc, ông được Triều Lý khen thưởng, ông mới đem sự việc huyền bí đó tâu vua. Cảm ân đức và sự tối linh ấy, Triều Lý xuống chiếu tạ ơn, truyền cho nhân dân địa phương lập nơi thờ tự tiền Phật hậu Thần đặt tên chùa là Báo Ân và cũng nhân cái đêm chiến thắng mưa gió sấm chớp rạch trời ấy mới đổi tên quê ta từ Đồng Quan trang thành Phong Lôi ấp. Cho mãi tới cuối thời đại nhà Trần,Võ Đô hầu Nguyễn Thức người con của quê hương ta mới cho lập riêng đình làng để thờ các vị có thần sắc vua phong. Chùa quê được tách ra từ đấy. Cái thưở ban đầu làm bằng tre tranh, tượng đất, trải bao gió bụi thăng trầm, bão lụt, phong hóa, chùa quê không tồn tại được, để giữ lại dấu ấn của quê hương với cái tên trìu mến Báo Ân, nên đầu thế kỷ 20, ông cha ta đã góp công góp của xây dựng ngôi chùa khang trang đẹp đẽ mang dấu ấn cổ kim kết hợp hài hoà cho đến hôm nay vẫn còn giữ được nguyên vẹn hình dáng, mặc dù đã trải qua hơn một thế kỷ, hai lần lụt lội 1926 (Bính Dần) và 1945 (Ất Dậu) và hơn 30 năm chiến tranh chống lại hai kẻ thù lớn của thời đại. Đồn bốt kề bên rồi chiến tranh phá hoại chùa quê vẫn tồn tại bên đường. Trong chùa tượng Phật thời Lê - Nguyễn vẫn còn nguyên vẹn và những tấm bia đá khắc ghi phương danh các tín đồ phật tử góp công góp của xây dựng chùa làng. Đây là một tài sản quí giá lưu lại cho hậu thế mai sau. Đến năm Bảo Đại ngũ niên lại dựng 5 gian nhà Tổ, nơi cửa thiền truyền đạo từ bi này, có thời gian còn là điểm hẹn, điểm tập kết của các vị công thần qua các triều đại Phong kiến đến viếng thăm và sau này là cơ sở đi về bàn cách chống lại sự đàn áp của ngoại bang. Năm 1930, Hội kín tại quê hương làm chiếc thang tre để kéo hai lá cờ búa liềm tại cây đa quán Gòi và cột dây thép đầu và cuối làng Gòi vào ngày Quốc tế lao động 1-5-1930.
Cách mạng tháng 8 thành công, chùa quê là nơi quần chúng tập trung để đi giành Chính quyền ở phủ Thái Ninh. Điều đáng tiếc là từ khi có chùa phương danh các tăng ni trụ trì không có tư liệu ghi chép lại nên không rõ danh tính mà chỉ biết một số cụ tự chùa theo truyền thuyết và thời cực thịnh của ngôi chùa vào thập kỷ 30 - 40 của thế kỷ 20 do Đại đức Trần Văn Am (Sư Trung) trụ trì có hưng thịnh có suy tàn. Rồi chiến tranh lan tới, chùa quê hoang tàn đồn bốt kề bên, một bên hai đồn bốt giặc đóng. Nhờ hồng ân Phật tổ, mãi tới năm 1950,  Hoà thượng tự Nguyên Uyên (Cụ Giám Vàng) về trụ trì, sau khi cụ viên tịch, đệ tử của cụ là Ni sư Giác linh Dương Thị Giá trông nom bảo quản. Rồi cuộc Cách mạng chuyển vần ở giai đoạn Phật giáo thoái trào. Sự tín  ngưỡng tâm linh sao nhãng, song chùa vẫn giữ nguyên vẹn. Dân thôn bản hạ xin tỏ lòng biết ơn với vong linh các tăng ni phật tử đã có công giữ gìn coi sóc ngôi chùa làng nên vẫn còn được như ngày nay. Mặc dù nội tự từ 7 mẫu đến nay chỉ còn non một nửa. Xin có nén nhang trầm tưởng nhớ người xưa đã có công với di cảnh thiền môn mà tiền nhân để lại.
Sau ngày hoà bình lập lại, nhân dân quê nhà đã nhiều lần trùng tu tôn tạo với sự phát tâm công đức của các cơ quan đóng trên địa bàn cùng khách thập phương công đức liên tục trong mấy năm qua sửa sang di cảnh, xây sân, xây cổng, xây nhà, bổ sung thêm tượng Phật, hoành phi, câu đối, sắm đồ tế khí, dựng đài Quan Âm Các, đúc ba quả chuông một lớn hai nhỏ, xây dựng 45 gian nhà, đào giếng nước, xây công trình vệ sinh, nhà tắm và  xây bể hơn 100 m3 nước mưa. Hiện nay đặt cơ sở hạ trường của 6 huyện bắc Thái Bình di cảnh thiền môn đổi mới từng ngày. Quả phúc thật là quý giá của đất trời. Ai nâng niu quả phúc cháu con hẳn được hưởng hạnh phúc lâu dài. Ngày nay nên công nên quả cảnh sắc có một vẻ đẹp hài hoà so với các chùa trong tỉnh, thuận tiện giao thông. Đây là thành tích lớn lao đóng góp về nhân tài vật lực của nhân dân ta, của tín đồ thập phương và bàn tay hướng đạo của Đại đức Thích Thanh Hùng chung lòng trồng cây đức cho hậu thế mai sau. Là người dân trong làng quê dựa theo tư liệu của bảo tàng của di tích, thần phả chắp bút đôi nét về ngôi chùa làng cũng là đóng góp sự hiểu biết của mình với tấm lòng đáp nghĩa đền ân với tiền nhân thể hiện qua đôi câu đối ở cổng chùa làng mà tác giả cuốn sách này đã viết (phía ngoài).
Báo đáp các tiền nhân góp của góp công xây dựng thiền môn ông bà giữ gìn hằng kính báo.
Ân sâu nên hậu thế chung lòng chung sức sửa sang di cảnh cháu con chăm chút để đền ơn.
Và bốn câu thơ dự kiến đề khắc bia đá trước Các Quan Âm:

ng trình thế kỷ các quan âm
Xây dựng khởi công giữa sắc xuân
Tân tỵ thu sang mừng hoàn tất
Lưu truyền hậu thế rạng báo ân.
(2001- Tân Tỵ)

Mấy vần thơ về chùa Báo Ân
Chùa quê sau lũy tre làng
Tam quan rêu phủ, đậm màu thời gian
Chuông ngân chiều tím nhịp nhàng
Ngân nga dóng dả chiêu hồn chúng sinh
Hãy về đây các vong linh
Nương nhờ cửa Phật bớt đi cơ hàn
Hết đói rét khỏi lang thang
Phúc âm Phật độ muôn vàn tình thương
Chùa quê còn là mái trường
Rèn tu đạo đức dạy đường ở ăn
Sự đời bao nỗi băn khoăn
Đến chùa, vất vả nhọc nhằn vợi thôi.
Nguyễn Huy Đàn
Share this article :

+ nhận xét + 1 nhận xét

lúc 01:25 11 tháng 11, 2020

Rồi mọi công trình, sẽ đổi thay
Bởi rằng Xã Hội, tiến từng ngày
Thay cũ đổi mới, là tất yếu
Nhìn lại vẫn thấy, Mắt cay cay.?
Thượng Tọa: Thích Thanh Hùng

Đăng nhận xét

 
Mẫu thiết kế được chỉnh sửa bởi Quảng cáo Mỹ thuật Sao Việt | Hỗ trợ bởi Nguyễn Trung Tiến | Powered by Google