Có làng là có sự thờ phụng, khó ai quên được ký ức tuổi thơ về ngôi đình làng, vì sao vậy?
Đình làng dấu ấn quê ta
Nắng mưa phong hóa phôi pha tháng ngày
Ngay từ cái thuở xa xưa con người từ bốn phương kéo về mảnh đất hoang vu đầy lau sậy này do bãi biển mới bồi quần tụ hợp sức khai cơ lập nghiệp làm nên làng xã vì sức lao động có thừa. Song công cụ sản xuất thô sơ, phương thức sản xuất còn lạc hậu, công tác quản lý còn lỏng lẻo, nên không hạn chế được sự tàn phá của thiên nhiên, như hạn hán, úng lụt, bão và nước mặn tràn về.
Theo sử ký thời Pháp thuộc, đê Văn Giang - Hưng Yên vỡ 18 năm liền, đời sống no đói thất thường, nên về mặt tâm linh, con người dựa vào sự che chở của trời phật, thánh thần và cũng là để nhớ ơn người sáng lập quê hương. Cho nên khắp làng quê nước ta, không một làng nào không xây dựng đình chùa. Một ý nghĩ đáng quý, đình là ngôi nhà chung cho cả làng, không phân biệt tôn giáo, là nơi để con người rèn đức tu nhân, lấy cái thiện làm gốc, lấy đức nhân để đo phẩm chất đạo làm người.
Nhìn chung trong phạm vi tỉnh nhà chỉ có hai ngôi đình là thờ Ngũ vị Đại Vương. Một ngôi ở Thần đầu Thần huống Thái Ninh, nhưng ngôi đình ấy hiện nay không còn nữa, mà duy nhất chỉ có ngôi đình làng ta mà thôi.
Theo tư liệu tại Bảo tàng văn hóa tỉnh, bản dịch Thần phả và những gì còn khai thác được ở cụm quần thể di tích lịch sử và nhất là sắc phong qua các triều đại, Thế phả, Tôn phả của một số dòng họ còn lưu giữ mà ta khẳng định lịch sử của ngôi đình làng quê ta hình thành từ rất sớm.
Người sáng lập ra làng quê ta là Nhị vị Đại Vương do Hùng Duệ Vương phong sắc là hai anh em ruột quê vùng Ái châu Thanh Hóa có công giúp nước an dân dẹp thù trong chống giặc ngoài nên được vua ban thưởng hưởng thực ấp Đồng Quan Trang theo chế độ Thác đạo điền. Sau đó hai ông từ quan về vui thú điền viên cùng hương ấp.
Thú quê nong kén ruộng cày
Dân về tụ họp mỗi ngày một đông
Ngày khai phá đất hoang, đêm về luyện dân binh phòng khi quốc biến. Theo truyền thuyết và Phả lịch, hai ông qui hóa vào ngày 17-2 âm lịch. Để đền ơn người có công với nước, vua xuống chiếu tạ ơn cho nhân dân địa phương lập nơi thờ phụng tước vị của sắc phong.
Cao Sơn Đại Vương Nguyễn Cao Sùng
Quí Minh Đại Vương Nguyễn Cao Hiển
Đến Triều đại nhà Lý, vua Lý Nhân Tông phong sắc Đông Hải Đại Vương thượng đẳng thần Đoàn Thượng.
Triều đại nhà Trần, vua Trần Thánh Tông phong sắc Nam Hải Đại Vương Nguyễn Phục. Cả hai ông đều có công lớn với nước và đã truyền bá nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, cấy lúa cho nhân dân ta.
Đến vương triều Lê - Mạc xuống sắc phong phúc diện ly thương đẳng thần Tiến sỹ Hoàng kỳ. Ông là người con của quê hương nhà sinh vào thế kỷ 16 (1559). Năm 21 tuổi thi đỗ Tiến sĩ làm quan. Trải qua hai triều Lê - Mạc đã từng làm Phó sứ đi cống Trung Quốc. Ông có công lớn trong việc mở mang kiến thức văn hóa cho nhân dân quanh vùng. Mở trường dạy học đã được liệt kê vào trong danh sách 101 vị quan nghè của tỉnh Thái Bình. Khi ông mất an táng tại quê hương xứ mả Tàu. Mộ quan Nghè ngày nay còn đó và được sắc phong thờ tại đình làng. Như vậy, ngôi đình làng ta thờ Ngũ vị Đại Vương thì bốn vị theo đường võ bị cầm quân dẹp loạn an dân, một vị theo hàng văn, quan văn hay nổi tiếng khắp vùng.
Đình chùa quê ta trước đây thờ chung, tiền Phật hậu Thần. Tên chùa do triều Lý đặt cho. Mãi đến thế kỷ 18, sau chiến thắng quân Nguyên Mông, Võ Đô hầu Nguyễn Thức mới cho lập đình làng riêng biệt để thờ các vị có thần sắc vua phong. Một vật chứng vẫn còn lưu lại cho ta khẳng định qua đôi câu đối ghi tại quần thể di tích:
Bắc Khấu mịch tâm vạn lý khai danh Phong Lôi địa
Nam Bang dũng lược thiên thu cương thổ Thái bình ca
(Tạm dịch: Yên tâm với người phương Bắc đường xa vạn dặm về dựng đất Phong Lôi. Dân Nam anh dũng có quyền được hưởng cảnh thanh bình vui vẻ).
Từ đôi câu đối trên, giúp ta xác định dù tre tranh nứa lá nhưng ngôi đình làng ta đã hình thành và xây dựng từ thời nhà Trần.
Uy linh chấn sơn hà phò tá Trần triều dương thánh đức
Thao lược yên xã tắc khuông nhương hùng chí liệt thần công.
Cái thuở ban đầu, ngôi đình làng được dựng trên khoảnh đất giữa Mả Cả và Chợ Cũ vì là nơi trung tâm của dải đất Đồng Quan Trang thời ấy và có mối liên hệ đến trại Rí ngày nay vẫn còn lưu giữ tấm bia đá với dòng chữ Cá lôi thôn Thuần túy xã Thanh Quan huyện (Trích sử họ giáo làng Phong Lôi).
Trải qua bao biến cố thăng trầm, thiên tai tàn phá bào mòn xâm thực và bão phế sập, con sông Bình Cách hình thành. Phương tiện giao thông thời ấy đi lại khó khăn nên Trại Rí tách ra khỏi Phong Lôi ấp nên ngôi đình mới di chuyển về nơi trung tâm của dải đất làng tức là địa điểm ngày nay. Cho mãi tới năm Tự Đức nguyên niên 1843 (Thế Kỷ 19), nhà chức trách địa phương thời ấy mới quyên góp bán tước vị mua nhiêu và các nhà giàu hảo tâm ủng hộ sức lao động bổ theo đầu đinh để xây dựng ngôi đình làng.
Trong dịp đại tu đầu thế kỷ 21, ta vẫn còn lưu giữ một cột đình khắc dòng chữ Hán “Đại Nam Tự Đức tuế tự Mậu Dần niên quí xuân cát nhật trụ thiêng” và một số tấm bia đá khắc ghi phương danh quí vị công đức cùng dòng họ hảo tâm tiến cúng tiền của xây dựng đình chùa làng. Đây là vật chứng quí giá cần được bảo quản giữ gìn. Điều đáng tiếc là các đồ thờ tế khí, câu đối, đại tự không giữ lại được mà duy nhất chỉ còn một bức cuốn thư đề ba chữ “Giám Kỳ Đức” của cụ Nguyễn Huy Oanh đời thứ 8 dòng họ Nguyễn Huy treo trước cửa cấm đình và hai cái cột đình, một cái của cụ Hoàng Văn Tum, một cái của cụ Nguyễn Xuân Vịnh người xã Nguyên Xá cúng tiến. Chỉ tiếc rằng một trong hai cột đó bị hỏng thay dạng đổi hình thành cột hiên phía đông đình.
Cho đến ngày nay, ngôi đình làng đã trải qua ba thế kỷ 19+20+21, gần 165 năm. Lịch sử biến thiên, thời gian phong hóa nên đình làng đã xuống cấp.
Đình làng, nơi tôn thờ các vị công thần có công với nước trải qua sáu triều đại phong kiến, Hùng vương, Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn và từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 tới nay. Cuối thế kỷ 18, vương triều nhà Nguyễn hưởng ứng hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi đình làng nơi nghĩa dũng của hai cụ Tuần Cán, Cai Gòi tập luyện làm lễ tế cờ rồi cùng kết hợp với nghĩa dũng của cụ Phạm Huy Quang ở làng Phù Lưu cùng nghĩa quân Đốc Đen chống Pháp.
Đình làng cũng là nơi ghi sâu tội ác của chế độ cũ đã gây nên nạn đói khủng khiếp năm 1945. Các gia đình ông Tần, ông Tấn, cụ Răm chết đói hết và còn bao nhiêu đồng bào gục ngã ở nơi này.
Những dấu ấn tốt đáng ghi nhớ của ngôi đình làng là nhân dân ta tập trung đông đảo đi giành Chính quyền ở phủ Thái Ninh, tháng 8-1945 bắt tri phủ Trần Mạnh Hoan. Đình còn là nơi tổ chức bầu cử Quốc Hội khóa đầu tiên của nước Việt nam Dân chủ Cộng Hoà. Trong cuộc kháng chiến chín năm kỷ niệm một trận tập kích táo bạo vào hang ổ giặc trận đánh năm 1953 ở chợ đình Gòi.
Ngôi đình quê hương đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa từ 1992. Trong suốt hơn 30 năm chiến tranh, đình làng ghi biết bao kỷ niệm, bao lần tiễn người con quê hương lên đường bảo vệ tổ quốc.
Mái đình gắn bó quê hương
Xa quê ai chẳng vấn vương mái đình
Đầu thế kỷ 21 do nâng cấp quốc lộ 10 đáp ứng sự thay đổi của đất nước, tôn trọng tự do tín ngưỡng và di sản văn hóa của tiền nhân, nơi thờ các vị công thần có công với dân với nước, ngôi đình được di chuyển lùi về phía đông 3m, chuyển lên phía trước 3m, khởi công xây dựng vào mùa hè năm Nhâm Ngọ (Tháng 6-2002) thể hiện tấm lòng đáp nghĩa đền ân. Sau khi ngôi đình được trùng tu, người con của quê hương, kể cả bà con cô bác cư trú theo nghĩa của câu ca: “Đất lành chim đậu” đã đóng góp công sức chung lòng xây dựng ngôi đình rạng rỡ khang trang. Mọi người đều thống nhất quan điểm đình làng thờ ai, nhất là quê hương ta có hai đạo tồn tại song song suốt hai thế kỷ qua đó là đạo Phật và đạo Thiên Chúa. Cái riêng đạo Phật có ngôi chùa làng để sớm chiều các tín đồ tụng kinh niệm phật cho cái thiện sinh sôi, cái ác tàn lụi để lòng thanh thản.
Đạo Thiên chúa có Thánh đường để con chiên cầu nguyện những điều ý dân là ý chúa.
Ngày nay chúng ta lại có mái đình làng, ngôi nhà chung không phân biệt tôn giáo, nơi thờ người sáng lập quê hương và có công với dân với nước, nơi mà giáo lương quần tụ trong một mái ấm tình quê.
Thật đúng là:
Quê mình là một bài thơ
Người đây cảnh đấy cứ ngờ chiêm bao./.
***
Đình làng
Nguyễn Huy Đàn
Đình làng dấu ấn quê ta
Nắng mưa phong hóa phôi pha đã nhiều
Tuổi thơ sáng sáng chiều chiều
Chơi khăng đánh đáo thả diều nơi đây
Sân ngoài rợp mát bóng cây
Giếng khơi trong vắt tường xây lượn tròn.
Cảnh xưa nếp cũ đâu còn
Hoa dâm mái tóc vẫn còn nhớ ghi
Bao lần tiễn bạn ra đi
Sân đình hẹn ước những gì nhớ không
Hẹn ngày thống nhất non sông
Lại về vui với ruộng đồng quê hương
Mái đình gắn bó thân hương
Xa quê ai chẳng vấn vương mái đình.
Cây đa, giếng nước, sân đình.
Tháng 7/1994